“Ai cũng có người đặc biệt của riêng mình. Họ vượt qua muôn vàn đại dương thời gian và những tầng mây không gian để đoàn tụ với bạn.” – Trích cuốn sách: “Kiếp nào ta cũng tìm thấy nhau“.
Tôi luôn tin vào tình yêu vĩnh cửu, những sự kết nối vô tình giữa ta và linh hồn tri kỷ. Họ là ai trong kiếp sống này? Liệu họ sẽ đến và ôm ấp tôi thật lâu chứ? Tôi không muốn trở thành kẻ cô đơn nếu không thể tìm thấy họ.
Vậy hãy cùng tôi khám phá một trải nghiệm mới. Tôi sẽ đưa bạn đến với thế giới luân hồi – nơi chúng ta trở nên bất tử. Và tôi mong rằng bạn có thể sống hạnh phúc bằng tất cả tình yêu mình có. Dù đau đớn, tổn thương, nhưng bạn rồi lại yêu và yêu nhiều hơn thế!
Contents
Một đời này ta sẽ gặp bao nhiêu người?
Tôi đã từng đọc được một câu:
“Đời mỗi người sẽ gặp khoảng 29,2 triệu người, xác suất để hai người yêu nhau là 0,000049. Cho nên, anh không yêu em, em không trách anh” – 5cm/s (Tiểu Chính Thái dịch)
Mỗi chúng ta quả thật sẽ gặp gỡ rất nhiều người. Ngay cả con số 29,2 triệu cũng chỉ là mức tính tương đối. Đôi lúc họ đến rồi đi, có người thì nén lại đôi chút. Chúng ta thay phiên bước vào đời nhau rồi lặng lẽ nói lời từ biệt. Nó như một vòng tuần hoàn các mối quan hệ trong cuộc sống.
Tôi lấy ví dụ để bạn hiểu vì sao lại có số liệu kia. Bạn giúp đỡ một người ăn xin trên đường, bạn dừng xe mua một tô phở… Chẳng phải trong khoảnh khắc ấy, cả bạn và họ đều bước vào thế giới của nhau đấy sao? Mỗi người đến với ta bất kể là bao lâu đều sẽ để lại sự kết nối vô hình. Người ăn xin dạy bạn cách mở lòng san sẻ. Cô bán phở nhận được tình yêu của bạn cho món ăn cô nấu.
Chính vì gặp nhiều người đến thế, xác suất hai người yêu nhau chỉ có 0,000049. Vậy tại sao, đâu đó ta vẫn bắt gặp những cặp đôi hạnh phúc. Hoặc hơn một người yêu, họ là tri kỷ.
“Mình hẹn nhau kiếp sau”
Chúng ta chắc hẳn đã từng nghe qua câu nói này qua phim ảnh, sách vở hoặc thực tế. Nhưng liệu “kiếp sau” có tồn tại hay không? Và chúng ta có còn cơ hội gặp lại nhau? Làm sao tôi có thể nhận ra được người ấy?
Cá nhân tôi thích những câu chuyện yêu từ cái nhìn đầu tiên. Có ý kiến cho rằng điều đó thật vô lý. Hai người chưa hề quen biết thì cảm xúc bắt nguồn từ đâu. Tôi từng chủ động hỏi thăm cô bạn thân – người từng trải qua tiếng sét ái tình. Những câu trả lời tôi nhận lại có vẻ khá mơ hồ. Một nguồn điện chạy qua, một cảm giác gần gũi và một trái tim loạn nhịp. Tất cả được bạn tôi miêu tả với thái độ như thể cô ấy cũng không tin vào những gì mình đang nói.
” Kiếp nào ta cũng tìm thấy nhau”: Bạn có tin vào định mệnh?
Với “định mệnh”, người ta tin rằng có những chuyện vốn dĩ sẽ không thể thay đổi. Hãy tưởng tượng bạn là diễn viên trong bộ phim điện ảnh, còn định mệnh là cuốn kịch bản. Mọi sự gặp gỡ và chia ly, đau thương để trưởng thành đều đã được an bài.
Sau khi đưa hàng loạt câu hỏi liên quan đến những cuộc gặp gỡ, tri kỷ, tình yêu…Tôi sẽ giới thiệu với bạn vị bác sĩ tâm thần, nhà thôi miên người Mỹ qua một cuốn sách. Đây là tác phẩm do Brian Weiss trải nghiệm và ghi chép trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.
Hãy cùng tôi giải mã những vấn đề huyền bí về sự tồn tại của các linh hồn tri kỷ.
Kiếp nào ta cũng tìm thấy nhau
Cuốn sách ghi chép một cách chân thật quá trình chữa bệnh bằng liệu pháp thôi miên của Brian Weiss. Đồng hành với chúng ta là hai nhân vật chính: Elizabeth và Pedro. Họ được ông nhận định là tri kỷ nhưng định mệnh mới là nguyên nhân giúp họ tìm thấy nhau.
Với tiêu đề cuốn hút “Kiếp nào ta cũng tìm thấy nhau” cùng bìa sách thể hiện sự hòa quyện, kết nối . Lẽ nào các kiếp sống của con người thật sự tồn tại? Và những người yêu nhau rồi sẽ được đoàn tụ?
Hành trình điều trị cho hai nhân vật chính
Elizabeth và Pedro là hai nhân vật tượng trưng cho hai linh hồn tri kỷ tìm thấy nhau sau bao kiếp sống. Nhưng họ hoàn toàn xa lạ trong kiếp sống hiện tại. Cả hai đang trải qua những nỗi đau trong tâm hồn cần được chữa trị. Liệu pháp hồi quy giúp họ khám phá bản thân ở các kiếp sống khác. Từ đó tìm ra nguyên nhân sâu xa của vấn đề thực tại, chữa lành những tổn thương.
Sơ nét về liệu pháp chữa trị được bác sĩ Brian áp dụng
Thôi miên là phương pháp điều trị tâm lý học bắt nguồn từ phương Tây. Nhưng khái niệm hồi quy vẫn còn khá mơ hồ phải không nào? Đầu tiên nói về tính xác thực. Ta còn hoài nghi về mặt ảo tưởng, mê tín, hoặc các vấn đề tâm linh. Tiếp theo, tôi đoán chắc rằng bạn cũng từng trải qua hiện tượng Deja vu. Miêu tả cảm giác thân thuộc của bạn với một sự vật, hình ảnh trong lần gặp đầu tiên. Và dù có cố tìm kiếm ký ức ấy, bạn vẫn không tài nào nhớ được điều gì.
Dòng chảy định mệnh của hai nhân vật chính
Quay lại với Elizabeth và Pedro, từng câu chuyện về các kiếp sống khác của họ dần được mở ra trong suốt quá trình điều trị. Bác sĩ Brian thu thập dữ liệu, quan sát, theo dõi những chuyển biến tâm trạng của bệnh nhân. Mạch kể song song vô tình tiết lộ cho độc giả về mối quan hệ giữa hai nhân vật chính.
Khi đọc cuốn sách, đôi khi mạch kết nối các tình huống vẫn còn rời rạc. Tuy nhiên điều này lại mang đến cảm giác như một nhịp thở, ngắt nghỉ cho độc giả. Xen lẫn vào đó những tâm tư, trăn trở giữa lựa chọn nói ra hay im lặng về mối quan hệ giữa hai nhân vật chính của nhà văn. Với tư cách bác sĩ, ông phải bảo mật mọi thông tin của bệnh nhân. Nhưng nếu vậy, lẽ nào cặp tri kỷ này sẽ không có cơ hội tìm thấy nhau.
>>> Đọc thêm: Mới hơn hai mươi tuổi đừng sống hết cuộc đời
Những bài học của hai nhân vật lan tỏa đến độc giả trong “Kiếp nào ta tìm thấy nhau”
Sau mỗi lần hồi quy, Elizabeth và Pedro sẽ rút ra bài học từ kiếp sống đó. Thậm chí có thể là lời dặn từ những Bậc thầy tối cao. Nhưng chung quy lại, bác sĩ Brian đề cao tình yêu xuyên suốt cả tác phẩm. Tình yêu kết nối những linh hồn, chữa lành những nỗi đau. Tình yêu dẫn lối ta đến với Thượng đế. Tình yêu là tất cả.
“Vì mọi thứ trên đời đều là năng lượng, và tình yêu chứa đựng mọi loại năng lượng, tất cả đều là tình yêu.”
Tác giả ví những linh hồn như những chiếc lá tồn tại trên cùng một cây. Lá mọc càng gần nhau thì sự liên kết càng chặt chẽ. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ cô đơn và linh hồn là vĩnh viễn. Trải qua bao kiếp sống, tái sinh trong bộ dạng khác nhưng trái tim ta sẽ luôn nhận ra nhau.
Hơn nữa những bài học ấy giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc chấp nhận nỗi đau sinh ly tử biệt. Cái chết chỉ là sự nghỉ ngơi của linh hồn sau khi hoàn thành sứ mệnh ở thế gian. Bác sĩ Brian nhắc nhở tôi cùng những độc giả của mình đều sinh ra với sự tử tế. Chúng ta vốn dĩ đã lương thiện, ôn hoà, tràn ngập hạnh phúc. Nhưng bản ngã cuộc đời khiến ta quên đi hay thậm chí đánh mất những điều tốt đẹp ấy.
Việc chữa bệnh thông qua góc nhìn của tác giả
Khi nhắc đến “chữa bệnh”, hầu hết chúng ta sẽ nghĩ đến việc chữa lành thể xác. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bác sĩ Brian kể câu chuyện của ông ấy, về lần đối diện trước sự ra đi của bệnh nhân. Ông đã đau khổ thế nào khi không thể giành lại sự sống cho họ trước thần chết.
Suy cho cùng, giúp đỡ người khác bằng tình yêu mới là quan trọng. Đôi khi kết quả không phải thứ ta tìm kiếm. Thân xác ấy không thể chữa lành. Nhưng trái tim của bệnh nhân đã được cứu rỗi bởi nguồn năng lượng thiêng liêng. Tình yêu chữa lành mọi thứ.
Bởi vì thế, bác sĩ Brian luôn hy vọng có thể gửi gắm thông điệp hãy cứ yêu khi còn có thể. Yêu mọi thứ từ những cái đẹp đến cái chưa đẹp, hay đến chưa hay. Yêu để tha thứ và cho bản thân được hạnh phúc. Những nỗi đau vẫn tồn tại ở đó nhưng tình yêu sẽ cho phép bạn sống cùng với nó.
Khép lại hành trình khám phá thế giới luân hồi
Cuốn sách là sự kết hợp hoàn hảo giữa văn học và y học. Một trải nghiệm chân thật của vị bác sĩ kiêm nhà văn cho tôi những góc nhìn mới. Dù phần đầu tiên thiêng về kiến thức trị liệu khiến tôi cảm thấy hơi khô khan. Nhưng tin tôi đi, bạn chỉ cần thả lỏng theo lời dẫn của bác sĩ Brian. Ông sẽ dẫn bạn đến với tác phẩm một cách gần gũi nhất bằng lời văn của mình.
Sức hút của cuốn sách”Kiếp nào cũng tìm thấy nhau” đối với tôi
Tôi bị thu hút bởi mạch cảm xúc mà nhà văn đem đến. Điều đó khiến tôi tưởng tượng bản thân như đang được nghiệm lại kiếp sống của mình. Tôi yêu những bài học ông gửi gắm, những điều đơn giản nhưng đôi lúc ta vô tình lãng quên.
Thông điệp tôi muốn gửi đến bạn qua cuốn sách: “Kiếp nào ta cũng tìm thấy nhau”
Vậy nên, tôi mong bạn cũng sẽ có những trải nghiệm đặc biệt sau khi đọc cuốn sách này. “Kiếp nào ta cũng tìm thấy nhau” như một câu chuyện ngôn tình nhưng chất chứa sự “đời” của cuộc sống thường nhật. Chúng ta dù đau đớn, tổn thương nhưng sẽ lại yêu thêm lần nữa. Vì ta không cô đơn, vì linh hồn là bất tử.
>>> Đọc thêm: Giết con chim nhại – Hy vọng một ngày mai về sự bình đẳng
KIM NƯƠNG